THƠ TẠ KÝ

***

***

Tạ Ký sinh năm 1928 (Mậu Thìn) tại làng Trung Phước, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Làng Trung Phước nằm trên hữu ngạn con sông Thu Bồn, là một vùng có nhiều núi non, từ đây càng tiến về phía tây thì càng đi vào vùng thượng du. Phong cảnh vùng này hữu tình, đồi núi quê anh là nơi Bùi Giáng đã đi chăn dê, hai chàng thi sĩ đất Quảng xuất thân cùng một làng, thậm chí nhà ở cùng một xóm với nhau.
Làm thơ từ thuở còn học tiểu học cho mãi đến những năm cuối của đời mình, cuộc đời của Tạ Ký gắn liền với thơ, cũng như với việc dạy học. Năm 1970 ông xuất bản tập thơ Sầu Ở Lại, đã đoạt giải thơ của VNCH sau đó. Tập thơ thứ nhì Cô Đơn Còn Mãi ra đời năm 1973. Từ 1975, ông đi tù cải tạo trong hai năm, đã làm nhiều thơ trong tù, rất tiếc hiện chỉ còn một số ít trong trí nhớ của các bạn đồng tù.
Cuối năm 1978 Tạ Ký từ Sài Gòn đi về sống ở An Giang, và đã qua đời trong cô độc tại đây vào tháng Ba năm 1979. Hai mươi hai năm sau, vào ngày 5 tháng Tư năm 2001, gia đình và bạn bè đã dời mộ ông từ Chợ Mới, An Giang về cải táng tại nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức, bên cạnh mộ phần của Bùi Giáng, với ước mong đặt để trở lại chỗ nằm và chỗ đứng xứng đáng cho ông, trong cuộc đời cũng như trong lòng người.

************

tuyet-hong-nguyen (13)

tuyet-hong-nguyen (14)

************

Sơ Nguyện:    Hay là tôi đến thăm em?  /  Chiều không mưa, trăng chưa ngả bên thềm,  /  Đường nhân thế lối đi về Vĩnh Viễn.  /  Tôi chín chắn như thủy thủ già vượt biển  /  Đọc mây sao tìm hướng của phong ba.  /  Mùa lỡ xuân mà ngày cũng sắp tà,  /  Nên do dự khi mang buồn đến biếu.  /  Người con gái thường vô tình chẳng hiểu  /  Kẻ thương mình thức trọn giấc chiêm bao.  /  Ba mươi tuổi rồi biết nói làm sao,  /  Lòng luyến mộ lẫn ít nhiều chua chát.  /  Trời hôm nay vài gợn mây tím nhạt.  /  Hay là tôi đến thăm em?  /  Thương là thương, dù đêm trắng cả đêm  /  Vẫn thức chép những vần thơ gửi tặng.  /  Lòng chúng ta hẳn nhiều phen cay đắng,  /  Đường em đi hoa đẹp nở bao lần?  /  (Những đóa hoa tình của một thời xuân)  /  Cũng buồn thật nếu nhìn nhau đắm đuối,  /  Cũng chán thật nếu lòng kia tiếp nối,  /  Và yêu đương thành những chiếc hôn nồng,  /  Giấc chiêm bao gờn gợn những đường cong.  /  Hay là tôi đến…?  /  Dòng mắt em xanh,  /  Mong manh mong manh,  /  Nửa chiều sơ nguyện.  ///  (cho Tuyết Hồng)

*********

Anh Cho Em Mùa Xuân:    Mỗi đêm một gói thuốc,  /  Hút nhiều nứt cả môi,  /  Nỗi buồn không nói được,  /  Nỗi buồn ăn vào tôi.  ///  Trời mùa đông rừng núi,  /  Đời mùa đông vô cùng!  /  Bánh xe nào tung bụi,  /  Nhịp chim nào đã ngưng.  ///  “Anh cho em mùa xuân”  /  Giọng ca buồn quá sức!  /  Cô gái đầu cúi gục:  /  _  Anh cho em mùa xuân.  ///  Mớ tóc xanh đã bạc,  /  Mớ môi hồng đã phai,  /  Anh cho em gió lạc,  /  Anh cho em mưa dài!  ///  Trời mùa đông rừng núi,  /  Đời mùa đông vô cùng!  /  Hút thuốc trong bóng tối,  /  Khói có bay lên không?  ///  (tặng Phạm Công Thiện)

**********

Xin:    Chỉ xin một nửa miệng cười,  /  Chỉ xin một phút bên người yêu thương,  /  Chỉ xin một chút dư hương,  /  Gọi làm duyên suốt nẻo đường viễn du.  /  Cố nhân, thôi đã tạ từ,  /  Dăm năm đấy nhỉ, thực hư thế nào?  /  Má còn làm thẹn hoa đào?  /  Mắt còn làm nhạt ngàn sao trên trời?  /  Tóc còn xanh thuở đôi mươi?  /  Lòng còn vui thuở hoa cười ước mơ?  /  Riêng đây từ lạc thế cờ,  /  Đắng cay cười cợt, ngẩn ngơ khóc thầm!  /  Trang tình sử, chuyện tri âm,  /  Khổ đau ai thấu được tâm sự này!  /  Phong yên từ độ những ngày…  /  Hậu đình hoa chẳng chau mày thế nhân.  /  Đỉnh đồng chưa vững ba chân,  /  Hai bờ cùng nổi phong trần cả hai!  /  Mắt sâu trắng những đêm dài,  /  Xin cho chút mộng để cài lên mi.  /  Ngày mai, thôi tính làm chi!  ///  (tặng N.T. Lê Tấn Lộc)

************

Chuyện Buồn:    Rồi những chuyện thần tiên bên xó bếp  /  Chẳng làm mê lứa tuổi đã ba mươi  /  Thầm ước ao thay đổi một chân trời,  /  Không thắp nến để tưởng rằng ánh sáng.  /  Quỳ mỏi gối nguyện cầu về dĩ vãng,  /  Thuở xa nào em gái nụ mười lăm,  /  Giấc tiền thân sánh phượng một đêm rằm,  /  Xếp tình sử, gấp tay ngà làm gối.  /  Tuy thân thiết mà không hề tội lỗi,  /  Yêu say mê chẳng tính chuyện vuông tròn,  /  Bởi vì yêu là trốn bớt cô đơn,  /  Mà trói buộc làm phiền nhau biết mấy!  /  Chàng trai trẻ mơ phượng hoàng sẽ gáy,  /  Thời hoàng kim cửa mở suốt năm canh,  /  Có vì vua từ trong đám dân lành  /  Trốn không được đành lên ngôi cửu ngũ,  /  Luật pháp bỏ, dẹp luôn oai cuồng vũ,  /  Giếng đào đi, ruộng cày lấy mà ăn.  /  Nhưng buồn thay là những việc trên trần,  /  Thế Chiến Quốc sao bày ra lắm thế?  /  Có kẽ yêu nhau vội vàng quá nhẽ,  /  Trao tờ thư, để ngỏ cửa khuê phòng,  /  Mà ái tình bốn vó ngựa truy phong!  /  Lứa tuổi ba mươi đời chưa vui mấy,  /  Buồn thương dạt dào cười mà lệ chảy:  /  Chuyện tài hoa người lớn chẳng thèm nghe,  /  Chuyện thần tiên con trẻ chẳng say mê,  /  Nên chuyện buồn nước mắt ngập tràn mi.

************

Viết Trang Tình Sử:    Ai về xứ mộng, xứ mơ,  /  Cho tôi gửi ít vần thơ tặng nàng:  /  _ Sông Hương lắm chuyến đò ngang,  /  Chờ anh em nhé, đừng sang một mình.  /  Chờ anh kể chuyện tâm tình:  /  Từ anh theo đuổi những hình phù vân…  /  Thôi em, đã lỡ một lần,  /  Mấy năm đau khổ đã dần vơi vơi,  /  Nghĩ thương kẻ ấy sai lời,  /  Nghĩ thương em những mong đời anh nên.  /  Xa xôi nhiều lúc anh quên  /  Rằng em gái vẫn chong đèn đọc thơ,  /  Vẫn cầm duyên để đợi chờ,  /  Vẫn trông phượng đỏ hai bờ Hương Giang.  /  Chiều lên huyền hoặc bướm vàng,  /  Em như công chúa mơ chàng Thám Hoa.  /  Không, em tôi còn mẹ già,  /  Còn đàn em dại, cửa nhà cậy trông.  /  Có ai nhắc chuyện lấy chồng,  /  Thì em đôi má ửng hồng thêm duyên.  /  Giận mình chưa đạt lời nguyền,  /  Anh không mong được chung thuyền ấy đâu.  /  Khi mô người bỏ cau trầu,  /  Cho anh biết để ủ sầu lên men,  /  Để anh vặn nhỏ ngọn đèn,  /  Viết trang tình sử cùng tên một người.  ///  (tặng Thế Viên)

************

Thì Trang Tình Sử:    Có người thường hỏi thăm tôi  /  Viết trang tình sử tới hồi chót chưa?  /  Có trăng vàng ngập phên thưa?  /  Có đêm chăn gối nghe mưa ngoài trời?  /  Thưa rằng không viết nữa rồi,  /  Một trăm câu chuyện trên đời giống nhau!  /  Ai làm cho tóc bạc đầu?  /  Cho câu kỳ ngộ thành câu giã từ?  /  Đã đành là việc riêng tư,  /  Đã đành là để tờ thư võ vàng,  /  Đã đành lắm chuyến đò ngang,  /  Sông sâu khá dễ…  nên sang một mình.  /  Làm trai mơ khúc Hậu Đình,  /  Trách chi thương nữ mang tình bán rao!  /  Đời đem vàng đọ yêu đào,  /  Cho nên son phấn dự vào gió sương.  /  Góp tài hoa dựng đoạn trường,  /  Ba trăm năm nữa ai thương chúng mình?  /  Nói chi chuyện nhục cùng vinh,  /  Giai nhân thất thểu, thư sinh thẫn thờ.  /  Chẳng thà liều một thế cờ,  /  Đem thân trai đổi những giờ thịnh suy,  /  Chẳng thà liều một chuyến đi,  /  Để đôi người bạn chờ khi trở về.  /  Còn hơn nhìn mãi vết xe,  /  Còn hơn nhớ mãi trăng thề năm nao  /  Còn hơn cháo múc tiền trao,  /  Tóc xanh bạc tóc, môi đào héo môi.  /  Chong đèn khuya viết chuyện đời  /  Tình xưa sử nến hỡi ơi còn gì?  /  Mười lăm năm:  một Kiều nhi,  /  Ba mươi năm hỏi làm chi bây giờ?  /  Tâm tình:  lỗi một đường tơ,  /  Thế tình:  loạn giữa hai bờ lợi danh,  /  Nhân tình:  khi rách, khi lành,  /  Thì trang tình sử lại đành dở dang.

************

Tình Xưa Sử Nến:    Hoang sơ tím áo nữ kiều,  /  Ngọt môi mùa loạn ngàn xiêu gió thành.  /  Mộng vừa rụng ngọc Oanh Oanh,  /  Nửa đêm cùng nửa tuổi xanh dâng chàng.  /  Tình xưa sử nến dăm hàng,  /  Gối hai thứ tóc, tay choàng tâm tư.  /  Sơ giao, tiết tấu, tờ thư:  /  Chữ Chân cùng với chữ Hư hẹn hò:  /  Rằng em người xứ Long Hồ,  /  Rằng nhà em ở bên bờ Tiền Giang…  /  Bỗng dưng không tiếng oanh vàng,  /  Mà sao giấc mộng yêu nàng bỗng dưng…  /  Thương thương huyền hoặc, nửa chừng,  /  Bóng gầy chiếm hết một vùng không gian.

**************

Niềm Bể Dâu Này:    Ta viết bài thơ thương nhớ đây,  /  Run run tay ấy nắm tay này,  /  Bao lâu em lạc hồn ta nhỉ?  /  Đô thị cười nghiêng mí mắt gầy.  ///  Ta vẫn chờ em héo cả thơ,  /  Đèn khuya đêm trắng nẻo tương tư.  /  Tóc tơ có kẻ ngàn năm hẹn,  /  Ai hẹn ngàn năm chuyện tóc tơ?  ///  Từ thuở quen nhau, rồi cách biệt,  /  Lòng nghe còn nặng chuyện tang thương,  /  Mà dâu bể dậy từ chinh chiến,  /  Từ thuở trên đầu tóc điểm sương.  ///  Mê lối vàng son, lạc những đâu?  /  Em ơi!  má thắm có nguyên màu?  /  Bên hiên Lãm Thúy câu tình tự,  /  Niềm bể dâu này tiếp nối nhau.  ///  (tặng Vũ Thược)

***************

Xin Thật Im:    Thật im, thật im, nghe kìa em đêm cạn,  /  Trắng dờn sương mà lạnh thấu tâm can.  /  Miệng cười ư?  sao lệ vẫn đôi hàng?  /  Hứa hẹn hão!  không buộc lời gió lại.  /  Tay đã giao tình, việc đời oan trái,  /  Hay là ngu, là dại, rất là điên!  /  Em dẫn tôi qua nhiều xứ ưu phiền,  /  Chim gãy cánh, sao rơi, hoa héo rụng!  /  Và mắt tôi khi không còn mơ mộng,  /  Và hồn tôi khi không hát thơ yêu,  /  Vốn tài hoa nên tình cũng rất kiêu,  /  Chọn lựa quá nên tôi nhầm đến chết!  /  Đời gian ngoa mà mình không quỷ quyệt  /  Nên đành thua cho đến trắng hai tay!  /  Trách gì ai đường nghĩa địa buồn thay!  /  Xe dẫn xác lắc lư từng vó ngựa…  /  Xin thật im, thật im, im thêm chút nữa.  /  Ồ vô duyên đừng vờ thế em ơi!  /  Kìa xem trăng ngả ngửa đã lâu rồi,  /  Chim vỡ tổ vì cất cao giọng quá!  /  Bởi tin lắm nên không ngờ dối trá,  /  Bởi miệng hoa còn biết gửi hôn yêu,  /  Ai dựng bình minh bằng ánh nắng chiều,  /  Và sao rụng chứ không phải là hoa nở,  /  Cửa lòng đóng, cửa mồ kia sắp mở,  /  Xin im giùm, thật im nữa, em ơi!  /  Đừng có thời gian em đã chẳng xa tôi.  ///

**************

Rưng Rưng:    Đôi nàng hoa nhớ bướm  /  Rưng rưng giọt sương mai  /  Gió tình đem ý ướm  /  Lảo đảo lệ tuôn dài.  ///  Bát trời bao la lắm  /  Sao ngọc lạnh rưng rưng  /  Mây thưa che chẳng ấm  /  Đôi giọt rớt lưng chừng.  ///  Sáo ai run nức nở  /  Mi tiên hồng tương tư  /  Bàn tay ngà bỡ ngỡ  /  Lật từng trang tình thư.  ///  Mắt huyền rưng rưng lệ  /  Nàng úp mặt xuống bàn,  /  Thơ tình gieo lạc điệu  /  Rưng rưng lòng thi nhân.  ///

***********

Đếm Sao:    Ngày suối biếc cười rằng nai ngớ ngẩn,  /  Ngày hoa rừng nở lấp ánh sao đêm,  /  Ngày chim hót cỏ cây buồn vớ vẩn,  /  Đó là ngày vừa mới được quen em.  ///  Hội thảo dã đủ đầy chim với suối,  /  Cây nhìn trời, sao cúi xuống lưng nai,  /  Nước trong vắt coi chừng đau sỏi cuội,  /  Em của anh chừ,  ai của ngày mai?  ///  Trong tiếng gió, nghe chừng hoa trách móc:  /  _ Hương dù bay, lòng gió vẫn vương hương.  /  Trong tiếng suối, nghe chừng hoa muốn khóc:  /  _ Suối dù tuôn, hoa vẫn đẹp như thường!  ///  Ngày mái tóc không còn xanh được nữa,  /  Ngày đôi tay thôi dệt mộng phù hoa,  /  Thì em sẽ vì anh mà mở cửa  /  Trông lên trời, đếm những điểm sao xa.  ///  (tặng Cam Duy Lễ)

***********

Em Chỉ Trả Lời:    Có rượu nhiều không mà say đêm nay?  /  Có tiếng giai nhân cười vang đường dài?  /  Cô đơn từng bước lê trong tối,  /  Có hoa nào không mà anh đưa tay?  ///  Ngày xưa dặm liễu xanh còn xanh,  /  Ngày xưa trang thư thêm trang tình.  /  Ngày nay một phút vô tư mất,  /  Ngày nay một phút buồn mông mênh.  ///  Có rượu nhiều không mà say trọn đêm?  /  Có người ngày xưa ta gọi là em?  /  Còn đâu mộng thắm mơ xanh nữa,  /  Tuổi nhỏ qua rồi, hoa rơi bên thềm!  ///  Ngày xưa rằng vui, hay không vui?  /  Có ai cầm tay, ai hôn môi?  /  Nghẹn ngào khẽ gọi tên em gái,  /  Tên em theo gió bay đi rồi!  ///  Có rượu nhiều không mà ta mời nhau?  /  Có buồn vu vơ như thuở ban đầu?  /  Gọi em suốt nửa đời em nhỉ?  /  Em chỉ trả lời trong giấc chiêm bao!  ///  (tặng Tôn Thất Trung Nghĩa)

************

Bài Thơ Cuối Mùa:    Không vui từ dạo mới quen nhau,  /  Bờ cách xa bờ, ai biết đâu  /  Em vẫn bình minh đôi mắt ngọc,   /  Còn ta đêm tối phủ từ lâu!  ///  Những buổi xa vời ta đợi thư,  /  Nửa khuya sực tỉnh, khóc bao giờ?  /  Có chăng em nhỉ, hay là mộng?  /  Xin được cười yêu trong giấc mơ.  ///  Em đắp thành cao ngăn cách ta,  /  Ta ngồi trông mãi giọt mưa sa.  /  Không em, mai mốt còn chi nữa?  /  Ngày tháng buồn tênh vẫn lướt qua.  ///  Mùa cuối, năm tàn, yêu nữa thôi?  /  Kìa em, vừa thoáng ánh sao rơi,  /  Đợi khi lòng đất đưa tay đón,  /  Ta sẽ dần quên chuyện đổi dời.  ///  (tặng Huy Trâm)

*************

Dòng Thơ Hôm Nay:    Nghe như mình đã ngủ  /  Từ mười mấy năm qua,  /  Quờ tay trong bóng tối  /  Ngắt vội một cành hoa.  ///  Tuổi em mười sáu nhé,  /  Hay đã ba mươi rồi?  /  Cành hoa đêm đã héo,  /  Hay vài cánh còn tươi?  ///  Ly cà phê sánh đặc,  /  Dạ hội tan từ lâu.  /  Còn gì mà thắc mắc,   /  Đời không là của nhau.  ///  Đi giữa lòng thành phố,  /  Cúi mặt trông bóng mình,  /  Đôi bàn chân xương xẩu,  /  Con đường rộng thênh thênh.  ///  Sẽ có người nhăn mặt  /  Đọc dòng thơ hôm nay,  /  Chút buồn vương khóe mắt:  /  _ Sao chừ còn đắng cay?  ///  _ Thưa rằng từ lâu lắm  /  Chẳng bao giờ quên em.  /  Tóc xanh chừ lốm đốm,  /  Suốt đời tôi đi tìm.  ///

**********

Cúi Đầu:    Tôi sẽ không còn ngơ ngác bên em,  /  Hành tinh đang buồn ai say ban đêm?  /  Tóc tơ thề thốt mà nay xa vắng,  /  Mà nay tơ tóc buộc gì cánh chim!  ///  Mệt lắm rồi không theo em nữa đâu,  /  Mệt lắm rồi tôi buồn thiu cúi đầu,  /  Con chó không về, ổ rơm lành lạnh,  /  Con chó không về, ai biết đêm sâu?  ///  Tôi biết nói gì khi ta quên nhau?  /  Tôi biết muốn gì, trời còn mưa mau.  /  Em vẫn là em, xưa kia tuy khác,  /  Tôi hết là tôi, chừ đây cúi đầu.  ///  Tôi lại say rồi, ngả nghiêng, ngả nghiêng,  /  Nhạc cuồng gào lên, nhạc cuồng không tên.  /  Ai vừa khóc đấy, tôi không biết nữa,  /  Nghe xoáy trong hồn:  làm sao em quên?  ///

**********

Bài Thơ Viết Trước Khi Về:    Khi em đến chắc tôi về xa lắm,  /  Mưa buổi chiều ray rức quá em ơi!  /  Tôi nhìn mưa đôi mắt đóng khung trời,  /  Lòng nhân thế mưa nhiều hơn nắng đó.  /  Từ thuở thương nhau mộng mình nho nhỏ:  /  Có vườn hoa hồng bạch dưới trăng thu,  /  Vuốt tóc người yêu, khe khẽ ngâm thơ,  /  Đốt trầm để ấm lòng đêm gió rét,  /  Mùa xuân đến nghe chim vườn ríu rít,  /  Rồi mười năm nhớ khúc ân tình xưa,  /  Ta nghiêng đầu bên cửa sổ trông mưa.  /  Nhưng chiều nay mưa buồn trên phố vắng,  /  Tuổi quá ba mươi đời chưa hé nắng,  /  Có bao giờ vui trọn giấc đâu em!  /  Đóa mộng vàng son rã cánh bên thềm,  /  Tôi cô độc bước chân về nghĩa địa.  /  Không nỡ trao em mối buồn thấm thía,  /  Vì đời em là một buổi mai xuân.  /  Em ngây thơ cho đời đẹp tuyệt trần,  /  Tưởng vĩnh viễn những phút giây ngắn ngủi,  /  Còn tôi sống với tháng hờn, năm tủi!  /  Lỡ nhau rồi, tôi khóc hết đêm nay,  /  Mai tôi về, em sẽ vắng bàn tay  /  Ai vuốt tóc em chiều mưa rả rích?  /  Ai hôn mắt em vợi niềm cô tịch?  /  Ai ngâm thơ cho em ngủ trong tay?  /  Ai dìu em đi trọn quãng đời này?  /  Khi em đến chắc tôi về xa lắm,  /  Trăng vỡ tan tành, thuyền mơ đã đắm,  /  Tôi sẽ về là tôi chết em ơi!  /  Mưa chiều nay che khuất một khung trời.  ///

************

Một Bản Tình Ca:    Ta viết bài thơ thương nhớ đây,  /  Run run tay ấy nắm tay nầy,  /  Bao lâu em lạc hồn ta nhỉ?  /  Đô thị cười nghiêng mí mắt gầy.  ///  Ta vẫn chờ em héo cả thơ,  /  Đèn khuya đêm trắng nẻo tâm tư.  /  Tóc tơ có kẻ ngàn năm hẹn,  /  Ai hẹn ngàn năm chuyện tóc tơ?  ///  Vốn đã yêu nên thề trọn kiếp  /  Những chiều nắng dịu, sớm mai sương…  /  Nhưng yêu không phải là không biết  /  Hăm mấy năm rồi vẫn nhiễu nhương.  ///  Mê lối vàng son lạc cả nhau,  /  Em ơi, má thắm có nguyên màu?  /  Xa em từ thuở em làm kẻ  /  Cợt liễu, cười hoa, cửa trước sau!  ///  Hoa có còn tươi sau gió mưa?  /  Liễu còn xanh dáng liễu ngày xưa?  /  Nối nhau bằng chút tơ duyên cũ,  /  Và gửi cho nhau ước mộng thừa.  ///

************

Chúng Mình:    Chúng mình đi về đâu em ơi!  /  Hoàng hôn, hoàng hôn buồn tê môi,  /  Sao chân em giẫm nhiều hoa thế?  /  Hoa của ngày xưa rụng mất rồi!  ///  Chúng mình đi về đâu, về đâu?  /  Tay ta còn hay thôi trao nhau?  /  Chim xanh không hót, ngày xanh mất,  /  Nào thuở chưa-chi-thẹn-cúi-đầu?  ///  Chúng mình bây giờ thư không xanh,  /  Quên nhìn trời cao, quên trăng thanh,  /  Trăng đâu của thuở đôi mươi nữa,  /  Trời chẳng còn vương mắt diễm tình.  ///  Một chút thơ ngây chợt trở về,  /  Hào hoa nguyên vẹn dáng si mê,  /  Lứa đôi nào chẳng từng thương tiếc  /  Cái buổi chưa-nhìn-nghiêng-nón-che.  ///  Đừng để hoàng hôn ngập mắt xinh,  /  Bút hoa chép lại sử ân tình.  /  Em ơi tay nắm tay cùng hẹn:  /  Tất cả Ngày Mai của chúng mình.  ///

*************

Đoạn Trường Gợi Lại :    Bước chân nào nặng phù du,  /  Ngón tay nào thắt sầu tư trói hồn.  /  Cô đơn rồi vẫn cô đơn,  /  Bốn mươi thu đó đòi cơn đoạn trường.  ///  Sông xa bãi cát vàng hanh,  /  Đìu hiu bến vắng, mong manh sương chiều.  /  Mười lăm năm giấc mộng vèo,  /  Bốn dây nhỏ máu xuôi theo Tiền Đường.  ///  Từ em lần lữa lầu xanh,  /  Cuộc say đầy tháng, tàn canh, vẫn thừa.  /  Chừ đây bên cạnh người xưa,  /  Nửa đêm tái ngộ nghe mưa cuối trời.  ///  Mà thôi, đàn kiếm giang hồ,  /  Trở về cát bụi, cơ đồ ngả nghiêng.  /  Say đến khóc, cười như điên,  /  Ngàn xưa đọng lại một thiên não người!  ///

**************

Dáng Xưa:    Để em theo dõi bụi ngàn,  /  Dáng xưa còn đọng thời gian mắt sầu.  /  Buồn lên từ thuở bạc đầu,  /  Đôi tay vô vọng nguyện cầu dáng xưa.  ///  (tặng Bùi Giáng)

************

Thúy Vân:    _ Còn em chén cúc tàng tàng,  /  Cuộc vui nói tiếng đoạn tràng ấy chi?  /  _ Thưa rằng:  cũng chẳng làm gì?  /  Ai mê dáng chị mà vì duyên em?  ///

***************

Từ Hải:    Nghe rằng dậy lửa đao binh,  /  Đoạn trường ngay thuở thân nghênh cửa ngoài.  /  Mặt trăng lơ lửng non đoài,  /  Mà hồn lơ lửng với loài thảo hoa.  ///

**********

Tôn Thất Trung Nghĩa:    Từng đêm chợ Đũi đẫm sầu,  /  Ly la-ve đổ gội đầu tóc xanh.  /  Người sơn dã lạc kinh thành,  /  Ngả nghiêng đáy cốc độc hành trong đêm.  ///

*********

Khi Tỉnh Rượu:    Trà uống đắng cả họng,  /  Thuốc hút vàng cả tay,  /  Từng mảnh con hy vọng  /  Chìm trong đêm sâu dày.  ///  Bình minh ơi bình minh!  /  Chim nhỏ hót trên cành.  /  Chim nhỏ ơi chim nhỏ  /  Thiếu khung trời xanh xanh.  ///  Có ai ngồi trong xó  /  Hát khúc hoàng-hôn-ca?  /  Tuy bóng chiều chưa đổ,  /  Đầy những mặt dơi già!  ///  Tuổi trẻ ơi tuổi trẻ,  /  Chí trai:  ly rượu đầy!  /  Vũ trường chừ vắng vẻ,  /  Tao say hay mầy say?  ///

***********

Buồn Như:    Buồn như ly rượu cạn,  /  Không còn rượu cho say.  /  Buồn như ly rượu đầy,  /  Không còn một người bạn.  ///  Buồn như đêm khuya vắng,  /  Qua cửa sổ trông trăng.  /  Buồn như em nói rằng:  /  Nhớ anh từng đêm trắng.  ///  Buồn như yêu không được  /  Dù người yêu có thừa.  /  Buồn như mối tình xưa  /  Chỉ còn dòng lưu bút.  ///  Buồn như buồn như thế,  /  Buồn như một kiếp người.  /  Đây cõi lòng quạnh quẽ  /  Buồn như đóa hoa rơi!  /// (tặng Tôn Thất Trung Nghĩa)

**************

Thư Gửi Mẹ:    Hôm nay tiếng súng không còn nữa,  /  Sông núi ngùi thương chuyện núi sông,  /  Con biết quê nhà sau khói lửa  /  Mẹ già tựa cửa đứng chờ mong.  ///  Lúa có vàng như thuở thái bình?  /  Vườn ta còn mấy ngọn cau xanh?  /  Đất khô tay có đau không mẹ?  /  Cha vẫn ngâm nga khúc viễn hành?  ///  Chị Hai chắc hẳn vui gia thế?  /  Em Ngọc năm nay sắp lấy chồng?  /  Từ thuở con đi rồi chẳng biết  /  Cô hàng xóm ấy có sang không?  ///  Và mẹ bao đêm thương nhớ con?  /  Tuổi già trái chín chắc chi còn?  /  Sông sâu, núi thẳm, đôi đường cách,  /  Ngày một ngày thêm chuyện héo hon.  ///  Kinh thành mẹ hẳn không ưng đến,  /  Lặn lội chi cho cực tuổi già.  /  Nghĩ lại đời con thêm hổ thẹn,  /  Khác nào như thuở bước chân ra.  ///  Thuở ấy cầm tay mẹ dặn dò:  /  _ Phố phường không phải dễ chi mô!  /  Và đôi mắt mẹ rưng rưng lệ,  /  Đôi mắt bây giờ chắc héo khô!  ///  Thân nghèo nhiều lúc không vui lắm,  /  Nhưng chẳng bao giờ con ước mong  /  Một cuộc đời như thiên hạ ước,  /  Bởi vì còn chuyện đục hay trong.  ///  Nói mãi rồi ra cũng thế thôi,  /  Núi sông cách trở mấy năm rồi,  /  Con mong nếu bắt thư này được  /  Thì mẹ cho con biết ít lời.  ///  (tặng Tạ Hồng Nguyện)

**************

Bức Thư Đầu Xuân:    Tết đến hai ngày rồi mẹ nhỉ?  /  Đầu xuân con biết mẹ đang buồn.  /  Ai vui chi được đời tang tóc,  /  Sông chứa sầu đau, núi dựng hờn.  ///  Ra đi từ dạo mùa cam chín,  /  Đã mấy mùa cam con chửa về.  /  Tóc mẹ hoa râm, nay bạc trắng,  /  Vô tình trước ngõ trắng hoa lê.  ///  Có những đêm buồn con phát khóc,  /  Nhớ xưa tết đến dậy mai vàng.  /  Tha hương thân bé còn lăn lóc,  /  Mỗi độ xuân về mỗi dở dang.  ///  Quê nhà hoang vắng ra sao mẹ?  /  Đây phấn son bay ngập phố phường!  /  Con vẫn trông chờ sâu cả mắt  /  Ngày nào thiên hạ biết yêu thương.  ///  Con viết bức thư này giữa lúc  /  Súng xa vang động cánh mai vàng,  /  Nhà trọ cô đơn nghe gió giục,  /  Bồ câu giỡn nắng mới bay ngang.  ///  Ít bữa mai tàn rơi trước ngõ,  /  Nhặt dùm dăm cánh ép cho con.  /  Mẹ ơi!  đợi lúc trời thôi gió,  /  Con sẽ quay về để mẹ hôn.  ///

************

Xuân Về Thương Nhớ Với Ai Đây? :    Tết đến rồi đây, xuân đến đây,  /  Xuân xuân, tết tết được bao ngày?  /  Cười nghiêng núi thẳm, xuân gian khổ,  /  Khóc đứng quê xa tết dạn dày.  /  Có những con người không biết tết  / Cầm bằng năm tháng một cơn say  /  Có những con người không biết chết  /  Hẹn cùng trời đất một ngày mai,  /  Có những con người không nói hết  /  Căm căm thế sự nhíu đôi mày!  /  Tết đến, xuân về băm mấy bận,  /  Giang hồ ta vẫn trắng đôi tay.  /  Lòng riêng nào biết xuân hay tết,  /  Tóc đã pha sương kể những ngày  /  Câu chuyện tâm tình không tỏ được,  /  Hoa đào hàng xóm lả lơi bay…  /  Xót thương thân thế toàn dang dở,  /  Khói thuốc làm cay đôi mắt cay!  /  Chợt thấy bên hiên hoa lại nở,  /  Và xuân lại đến ở đâu đây.  /  Nhưng hoa đã tỏ đường ong bướm,  /  Xuân vẫn còn xuân với đọa đày.  /  Xuân vẫn còn xuân trong máu lửa,  /  Còn xuân nên vẫn trắng đôi tay!  /  Nhắm mứt gừng suông ba bữa tết,  /  Giở chồng thư cũ mấy năm nay…  /  Đâu đây nhạc rót mừng xuân mới,  /  Không hiểu thương ai nước mắt đầy!  /  Nhà trống tha hồ mơ mộng đến,  /  Tiền đâu mua lấy nửa cơn say?  /  Thơ chẳng ai yêu, rồi cũng vẫn  /  Đêm đêm nằm tính chuyện tương lai.  /  Cố tri dăm đứa nghèo xơ xác,  /  Ăn chực nằm chờ khắp đó đây.  /  Tán gẫu, cười suông, ngâm lạc giọng:  /  “Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây”  /  Thuốc chưa hết điếu mà cay mắt,  /  Tình chủng muôn đời vẫn đắng cay!  /  Xuân bỗng tưng bừng trên má thắm,  /  Xuân về thương nhớ với ai đây?  ///  (tặng Trương Đình Ngữ)

**********

Giao Thừa Giữa Phố:    Đêm nay có kẻ không nhà,  /  Thẩn thơ phố lạnh đợi qua giao thừa.  /  Hoa xuân ngậm kín một mùa,  /  Áo tàn dạo trước tình chưa đổi dời,  /  Kinh thành ánh sáng chơi vơi,  /  Phấn son nghẽn lối, đất trời mênh mông.  /  Quê hương từ đẫm máu hồng,  /  Đò xưa người cũ sang sông mấy lần?  /  Mai vàng còn cợt gió xuân?  /  Cô hàng xóm ấy chắc gần theo “dôn”.  /  Mẹ già thấy én, mong con,  /  Bờ tre, ngõ trúc biết còn xanh tươi?  /  Xa xôi mòn gót quê người,  /  Bốn phương lửa dựng, một đời gió mưa.  /  Xuân về nhà hẹp phên thưa,  /  Súng đâu nhắc nhở giao thừa máu xương!  /  Thẩn thơ đón lạnh giữa đường,  /  Núi xa trùng điệp, cố hương khuất rồi!  ///  (tặng Hoài Khanh)

***********

Nụ Lửa:    Nắng đổ trên cành nghiêng ngửa,  /  Gió ca điệp khúc hiền hòa,  /  Hiện giữa trời xanh nụ lửa,  /  Hè về đỏ rực muôn hoa.  ///  Nhớ ai môi rụng chật đường?  /  Bước trên ngàn môi nhạt thắm,  /  Bàn chân hình như đẹp lắm,  /  Mắt bồ câu rộn tình thương.  ///  Trên cành lửa bừng sức sống,  /  Vài em không hiểu sao cười?  /  Ngày nào mộng đời thôi mộng,  /  Biết còn ép cánh hoa tươi?  ///  Nghiêng nghiêng nón lá qua cầu,  /  Gió lùa đôi chân khép nép.  /  Chừ hoa nở đầy xứ đẹp,  /  Sắc hương còn được bao lâu?  ///  Thanh bình ngời đôi mắt nhỏ,  /  Yêu đời dăm vần thơ xanh,  /  Tô đời nắng vàng, hoa đỏ,  /  Thương nhau trọn giấc mơ lành.  ///

***********

Thu:    Bỗng dưng không hẹn mà thu tới,  /  Sông:  một dòng thu chảy lặng lờ,  /  Lá úa:  chút lòng ai khắc khoải,  /  Lòng ai chẳng rụng với mưa thu!  ///  Cặp mắt thu kia còn lạnh lạnh,  /  Môi thu nhà ấy nhạt màu son,  /  Hồn thu vương vấn theo đôi cánh  /  Áo trắng mùa thu nắng héo hon.  ///  Trên lớp thành xưa rêu phủ đá,  /  Nhạc buồn còn đọng giọt mưa thu.  /  Phòng khuê phấn nhạt, hoa tàn tạ.  /  Mà bóng tình quân vẫn mịt mù.  ///  Người đẹp thu về tan ước mơ,  /  Thiên thu còn lại những vần thơ:  /  “Hàn y xứ xứ thôi đau xích…”  /  Riêng một lòng đây chịu hững hờ.  ///

*********

Mưa Đầu Thu:    Hoa cúc bao giờ mới nở đây?  /  Trời run nhè nhẹ dáng thu gầy,  /  Tương tư bờ cúc vàng lưng giậu,  /  Sông rộng thêu hình đôi bóng mây.  ///  Cầu vắng bâng khuâng bước học trò,  /  Dăm tà áo trắng dệt thêm mơ.  /  Chiều nay nắng chở buồn không hết,  /  Thu chớm thu rồi, thơ chớm thơ.  ///  Duyên ngập ngừng duyên buổi hẹn đầu,  /  Không cần lành lạnh mới thương nhau.  /  Cớ sao sương khói đìu hiu quá,  /  Thu đến ai người khóc chuyện Ngâu?  ///  Chim nhỏ không buồn nhảy giậu thưa,  /  Thời gian ngừng chuyển điệu sang mùa:  /  Mây chao, nước lạnh, thuyền im bến,  /  Rời rạc đầu thu đôi giọt mưa.  ///  Lệ ở trên trời, mưa thế gian,  /  Tình xưa còn lại nửa cung đàn.  /  Mái tranh thánh thót niềm tương biệt,  /  Thư viết chưa hề gửi cố nhân.  ///

***********

Thế Hệ Bốn Lăm:    Chúng tôi:  /  Những kẻ sinh ra chưa biết nụ cười,  /  Đã thầm khóc trong bao năm khói lửa.  /  Mười tám tuổi, vải thô thay nhung lụa,  /  Giày vỏ xe hơi mòn gót liên khu,  /  Một dải miền Trung rừng rậm, sương mờ,  /  Vui kháng chiến, tình non sông muối mặn.  /  Chúng tôi lớn lên trong tiếng rền lựu đạn,  /  Ba lô da nặng trĩu cả vai gầy.  /  Những bà mẹ già run rẩy đôi tay,  /  Rót từng bát nước chè trưa nắng gắt:  /  _ “Lũ chúng nó mới công đồn giết giặc.”  ///  Chúng tôi:  /  Thế hệ bốn lăm  /  Vui chưa bao nhiêu nhiều lúc khóc thầm  /  Một phần tư thế kỷ,  /  Lừa lọc, gian ngoa, một bầy ác quỷ,  /  Tuổi thanh xuân tàn như một giấc mơ!  /  Hoảng hốt, điên cuồng, nhẫn nhục, bơ vơ,  /  Nắm tay nhỏ đưa lên trời phản đối,  /  Và tự hỏi:  mình làm gì nên tội?  ///  Bốn lăm!  Bốn lăm!  /  Tiếng vọng xa xưa, nắng cháy, mưa dầm,  /  Lòng Đất Mẹ lại một phen chua xót!  /  Chúng tôi yêu núi Ba Vì chót vót,  /  Sông Cửu Long cuồn cuộn chảy ra khơi.  /  “Quê hương mình nghèo lắm ai ơi!  /  Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn”  /  Thời gian qua đã ba chục mùa xuân,  /  Trai mười tám tóc ngả màu sương gió,  /  Những đêm đô thành men cay mắt đỏ,  /  Nhìn trong ly bỗng thấy bóng mình xưa.  /  Gác trọ buồn thiu nằm khểnh nghe mưa,  /  Xót thân thế, nhớ từng thằng bạn học.  /  Ngâm thơ người xưa đau mình cô độc,  /  Rồi áo cơm thay thế chuyện giang hồ,  /  Đôi lúc buồn tình làm một bài thơ!  /  Bốn lăm!  Bốn lăm!  /  Những kẻ ra đi, những kẻ đang nằm,  /  Những kẻ chết, những kẻ còn vất vưởng  /  Chúng ta làm gì?  /  Thuyền con trong cơn gió chướng!  ///  (tặng Nguyễn Liệu)

************

Câu Chuyện Mười Năm:    Mười năm qua tỉnh giấc mộng sông hồ,  /  Nghiêng mái tóc soi trên dòng mắt nhỏ,  /  Kẻ thư sinh gối đầu trang sử cũ,  /  Tính đốt tay lòng lạnh chuyện keo sơn,  /  Thời loạn ly chợp mắt đã cô đơn!  /  Những bước chân qua nghìn trùng sông núi,  /  Cuốn dây thép gai, mơ về Hà Nội,  /  Đồn, đêm đông, phừng phực lỗ châu mai!  /  Ôi chàng trai từ mười mấy năm xưa,  /  Máu, liếm thử, mặn như là nước mắt!  /  Ai khóc đâu nào?  cái gì đã mất?  /  Tháng ngày trôi chậm chạp gót đưa ma.  /  Cô em xưa trong trắng tuổi mười ba,  /  Mười sáu tuổi cười trong cơn thác loạn,  /  Hai mươi tuổi… cánh dơi nào quái đản  /  Trùm thời gian, nhốt úp cả không gian,  /  Nhấn phím chưa xong đứt phựt dây đàn!  /  Trang loạn sử chép thêm nhiều chuyện lạ,  /  Chắp đôi tay gầy nguyện cầu Cao Cả,  /  Dòng Tin Yêu cạn rốc tự bao giờ!  /  Chập choạng bóng hình qua những vần thơ,  /  Khép mi lại, màu xanh vừa thoáng hiện  /  Màu mắt người yêu hay màu nước biển?  ///  (tặng Xuân Ái)

***********

Trung Phước Ơi! :   Trung Phước ơi, sông sâu dài uốn khúc,  /   Tình cheo leo cao vút một con đèo,  /  Núi Chèo Bẻo vươn mình trong khói đục,  /  Hòn Cà Tang thương nhớ vọng tình theo.  ///  Đây đồng Chợ không còn vang nhịp bước,  /  Và đồng Quan, đồng Vú chắc tiêu điều!  /  Lúa vàng ơi, lúa vàng bao năm trước,  /  Rộc cây Bòng bờ trổ mạch cô liêu.  ///  Cau xanh lắm, cau với người thân thiết,  /  Bắp non non, người đợi bắp vàng bao,  /  Lụa óng ánh tay ngà thoăn thoắt dệt…  /  Đời không dài hơn một giấc chiêm bao!  ///  Làng chết lặng, lều xác xơ dăm túp,  /  Người tha hương còn mất chẳng tin về,  /  Con lạc mẹ, bao đêm chồng khóc vợ,  /  Măng bẻ rồi, tre không kín niềm quê!  ///  Chín năm chẵn máu chưa hề ngớt chảy,  /  Chim không ca, bắp cũng chẳng vàng bao,  /  Khung cửi lạnh, tay ngà đang ấp mộ,  /  Hẹn tương phùng trong một giấc chiêm bao.  ///  Mùa hy vọng thắp đôi hàng nến đỏ,  /  Chép bài thơ thương nhớ giữa kinh thành.  /  Ôi yếu đuối một linh hồn nho nhỏ,  /  Chỉ mong ngày nắng ấm ngọn cau xanh.  ///  (tặng bà con)

*********

Điệu Buồn Xứ Núi:    Cao nguyên buồn rủ sương chiều,  /  Gió e ấp gió, cây đìu hiu cây.  /  Người lên đày xứ xa này,  /  Ngoảnh đi đô thị còn say dặm về.  /  Càng lên càng lạnh bốn bề,  /  Nào đâu luân vũ đêm hè năm xưa?  /  Giữa trưa sao nắng chẳng về,  /  Càng say khói thuốc, càng tê môi sầu.  /  Ga bên vẳng tiếng còi tàu,  /  Phải đây sa mạc pha màu thiên thanh?  /  Không ai tiễn buổi lâm hành,  /  Ba mươi mấy tuổi trơ vành mắt sâu!  ///  (tặng Thanh Trúc)

***********

Thêm Buồn:    Tôi sẽ chết dễ dàng hơn đã sống,  /  Mắt không buồn vì nhắm đến muôn thu.  /  Con chim nào xanh, giấc mộng nào hư,  /  Lời bay bướm lặng dần vào dĩ vãng,  /  Ba mươi đến khỏi lo tiền cơm tháng!  /  Cô mỉm cười, cô có biết gì đâu!  /  Tôi từng nghe chó sủa suốt đêm thâu,  /  Và chim hót suốt mùa đông lạnh lẽo,  /  Ôi con chim hồng từng bay lạc nẻo  /  Đường về trái tim hun hút thời gian.  /  Thuở xưa kia người ấy đẹp tuyệt trần,  /  Cao nguyên ngực, Thái Bình Dương mắt biếc,  /  Anh đào môi, tóc trường giang quấn riết  /  Tháp da ngà chưa một bóng du lang.  /  Tôi tới bên ai lời nói ngập ngừng…  /  Ốc đảo chập chờn giữa trưa sa mạc,  /  Gót ngọc quay đi, một người chết khát!  /  Thuở xưa kia thời mười tám, hai mươi,  /  Có chàng trai cười vẫn nở trên môi,  /  Tin tưởng lắm chuyện trên trời dưới đất,  /  Nhân Ái, Công Bình, Yêu Đương, Bất Khuất  /  Viết chữ hoa trong óc trẻ mười lăm!  /  Khi ba mươi biết được chuyện xưa lầm  /  Thì đau khổ đã hằn trên trán nhỏ,  /  Thì uất hận vạch trời nhưng chẳng tỏ  /  Rồi cô đơn như một kẻ chăn cừu  /  Trên đồi cao nhìn tinh tú luân lưu.  /  Tôi hốt hoảng như một người phạm tội,  /  Tôi muốn chạy nhưng mà đường nghẽn lối,  /  Chúa thì xa, Phật cao vút từng không,  /  Phật tại tâm nhưng tâm đã bềnh bồng,  /  Tiếng chuông Chúa không ru hồn kẻ khổ  /  (Một chiếc linh hồn mang mang thiên cổ)  /  Tôi tới bên em quỳ gối nguyện cầu,  /  Em đẹp vô vàn như hạt trân châu,  /  Ai yêu mến mà không hề nói quá!  /  Nhưng than ôi em không là tượng đá  /  Đội thời gian nhìn kẻ thế nhân qua,  /  Tôi làm thơ để mang tiếng tài hoa,  /  Mà vần điệu chỉ là châu ngọc hão!  /  Thương vớ vẩn tự mình gây gió bão,  /  Trách vu vơ mà chẳng trách mình ngu,  /  Thời loạn ly khởi sự tự bao giờ!  /  Tôi sẽ chết vô duyên như đã sống,  /  Đất nghĩa trang có chắc chi còn rộng,  /  Không biết nằm đầu sẽ hướng phương nào?  /  Nghĩ thêm buồn cho câu chuyện mai sau.  ///  (tặng Lê Khắc Lý)

************

Hoài:    Viết một bài thơ buồn nữa đây,  /  Đêm đêm nằm đếm đóm sao gầy,  /  Chao ôi ba chục năm trời nhỉ,  /  Mà vẫn còn mơ nguyệt mái Tây!  /  Từ thuở hai mươi lòng cứ tưởng  /  Ngàn năm tay đẹp vẫn trong tay.  /  Gió đâu bỗng đổi chiều xoay hướng,  /  Tình ở đầu môi, ở cuối mày!  /  Một giấc hoàng hoa chưa chắc tỉnh,  /  Nửa ly hoan ngộ lấy gì say,  /  Từng phen đất lạ thương thân thế,  /  Những trận cười như thoảng gió bay,  /  Khúc phượng còn vang thề ước đó,  /  Lời hoa đành bặt ái ân này,  /  Hoa tàn, ước hão, thề suông vậy,  /  Bóng dáng thuyền quyên vẫn nước mây.  /  Tuổi trẻ đã đành khờ khạo quá!  /  Ái tình đâu đến kẻ thơ ngây!  /  Thời hai mươi ấy xa lăng lắc,  /  Khói lửa còn cay đôi mắt cay.  /  Chạnh chút niềm riêng ai oán tí,  /  Thương mà không nắm trọn bàn tay.  /  Tóc ai xanh phủ cù lao gối,  /  Phấn bướm bay đầy giấc bướm bay.  /  Còn hỏi:  _  Quên em rồi chứ nhỉ?  /  _  Quên rồi qua chén rượu không say,  /  Quên rồi qua lớp vàng son ấy,  /  Mi mắt thời gian khép lại ngay.  /  Tay ngọc nâng niu lầu ảo mộng,  /  Bao nhiêu người ngọc đã chuyên tay!  /  Dòng thơ lưu niệm dăm năm trước,  /  Tình cũ còn thơm hương liễu trai.  /  Từ dạo tay không mơ nghiệp lớn,  /  Sử kinh qua một tiếng than dài!  /  Trường thành vạn dặm rêu xanh đá,  /  Thắng những ai mà bại những ai?  /  Đình trưởng một phen trời ngó lại,  /  Múa gươm trên mộ kẻ anh tài!  /  Hỡi ơi những chuyện ngàn xưa ấy  /  Chép miệng mà nghe thấm đắng cay!  /  “Kỷ độ long tuyền…” ngâm lạc giọng,  /  Mà non sông vẫn khói mù bay.  /  Ai mài kiếm rỉ, ai nâng chén?  /  Cửa sổ chiều chiều mây trắng bay.  ///

***********

Một Mình:    Nằm suông nghe gió lay rèm cửa,  /  Ba chục năm tròn, hai cánh tay  /  Buông xuống từ khi cười gượng gạo,  /  Má sầu lất phất hạt mưa bay.  ///  Trang sách, trang tình:  mới nửa trang,  /  Cớ sao lụt cả một trời trăng?  /  Bể Nam chim chẳng theo chiều gió,  /  Nhịp sóng trùng dương vẫn thở than.  ///  Ôi hoa hàm tiếu, nụ sơ khai,  /  Một trận cuồng phong hoa tả tơi!  /  Những nụ môi hồng chưa kịp hé,  /  Vài giây hạnh ngộ đã qua rồi!  ///  Bất tri tam bách… ngàn năm nữa  /  Tiếng thở than còn nguyên thở than!  /  Một bước chân người qua trước cửa,  /  Rồi xa, xa mãi chẳng dư vang.  ///  (tặng Lê Vinh Thiều)

*********

Lại Một Bài Thơ Tâm Tình:    Lại một bài thơ tâm tình  /  Của người ba mươi tuổi chẵn,  /  Ai lại than dài, thở vắn,  /  Đau thì ngậm miệng làm thinh!  ///  Từ khi sông núi ôm sầu,  /  Dân lành đành thân trâu ngựa!  /  Từ khi núi sông binh lửa,  /  Mấy người đục nước buông câu?  ///  Ở đâu cỏ không dám mọc,  /  Nghênh ngang một lũ gian tà?  /  Ở đâu dân không dám khóc,  /  Tuy rằng đau thấu thịt da!  ///  Mười năm mắt chưa ráo lệ,  /  Đầu tang nghiêng cạnh đầu tang,  /  Mười năm đàn con lạc mẹ,  /  Lòng nào mơ chuyện cao sang.  ///  Ở đây ngàn hoa cứ nở,  /  Ngàn môi nhắp rượu ân tình,  /  Bên kia ngàn môi nức nở,  /  Ngàn hoa nhạt hết hương trinh.  ///  Thế hệ những người đã khóc  /  Đứng lên góp một nụ cười,  /  Góp một cánh tay gân guốc,  /  Cho đời chỉ chớm đôi mươi.  ///  Lại một bài thơ tâm tình  /  Của người ba mươi tuổi chẵn,  /  Ai lại than dài, thở vắn,  /  Dù trăm, dù vạn bất bình…   ///  (tặng Lê Sử)

**********

Bài Thơ Dễ Hiểu:    Tôi viết cho anh,  /  Bài thơ dễ hiểu,  /  Đây không mắt xanh,  /  Tóc không là tơ liễu,  /  Không cầm ca não nuột bến Tầm Dương,  /  Không mộng xa vời những chuyện mười phương,  /  Không bóng dáng hồ ly, không má thắm,  /  Không cuộc tình duyên nửa chừng thông cảm.  ///  Bài thơ tôi  /  Nói chuyện yêu đời,  /  Vì bài thơ đẹp, anh ơi!  /  Chỉ là nói được những lời của anh.  /  Anh yêu đất hiền lành,  /  Yêu con trâu, cái cuốc,  /  Yêu đàn con lem luốc,  /  Yêu đồng lúa xanh xanh…,  /  Lời thơ đẹp tựa tâm tình:  /  “Hôm qua tát nước đầu đình,  /  Bỏ quên cái áo với cành hoa sen”  /  Dạo nào gió lên,  /  Đời anh chuyển hướng,  /  Bờ tre tan tành,  /  Máu loang bờ ruộng,  /  Nhà thân yêu lửa đốt ra tro.  /  Con anh bữa đói, bữa no,  /  Vợ anh sớm bến, chiều đò gian nan.  /  Anh thề chịu cực làm dân,  /  Còn hơn sung sướng làm quân quên thù!  ///  Thơ tôi không chép  /  Những vần âm u,  /  Tay anh rắn chắc  /  Xây đời tự do.  /  Mồ hôi hòa với vần thơ đẹp:  /  Mong được ngày mai sống ấm no.  /  Bài thơ dễ hiểu  /  Viết đầu mùa thu,  /  Gieo không lạc điệu,  /  Lòng không rã rời.  /  Những lời thơ loạn, anh ơi!  /  Làm sao ăn nhịp với lời thơ anh.  /  Nhạc điệu kinh thành  /  Điên cuồng, ủy mị,  /  Áo tôi đứt chỉ  /  Vải nhạt màu xanh,  /  Một bài thơ rất hiền lành,  /  Đọc lên giữa lúc tan tành núi sông!  /  Ngày mai trời lại ửng hồng,  /  Đất, Thơ thành vợ, thành chồng với nhau.  ///

*********

Có Lẽ Nào Không Viết Khúc Thơ Vui:    Có lẽ nào không viết khúc thơ vui?  /  Hoài hoa xưa ngày tuổi chớm ba mươi,  /  Một cánh bướm đâu dám theo người trước,  /  Nửa mảnh trăng suông chìm sâu đáy nước,  /  Nghìn thu sau còn lại chuyện nghìn thu.  /  Có kẻ dong chơi sông nước Ngũ Hồ,  /  Có kẻ sang sông đi vào Đất Chết,  /  Khúc phượng cầu hoàng cuốn theo mắt biếc,  /  Còn Mái Tây khắc khoải khói hương sầu,  /  Sóng tóc Ngu Cơ gờn gợn vó câu…  /  Thuyền vẫn chở những tài hoa bạc mệnh!  /  Ai bói cỏ thi tìm cơn hưng thịnh?  /  Có lẽ nào không viết khúc thơ vui?  /  Ơi ai ơi, một giáp đã qua rồi,  /  Từ khói lửa… chuyện lại xưa em nhỉ?  /  Trơ trẽn phường gian, dạn dày gái đĩ,  /  Núi vàng cây, sông cạn nước, đau lòng!  /  Những đào hoa không đợi tiếu đông phong,  /  Buồn thay nhỉ, chi nghênh nam bắc điểu!  /  Một dải giang sơn nhịp cầu vẫn thiếu,  /  Nhớ nhung rồi năm dáng cửa ô xưa,  /  Những chiều qua Hà Nội tím mong chờ!  /  Gươm báu, rùa thiêng, nỡ nào quá khứ,  /  Lừa lọc, đảo điên, một bầy thú dữ  /  Xua nhau về sống lại thuở nguyên khôi  /  Nên Thiên Đường đổ vỡ khắp muôn nơi!  /  Ôi những cô em vừa trăng mười sáng,  /  Ô nhục xác hồn, thù mờ tinh đẩu,  /  Những chàng trai giẫy giụa giữa hai mươi,  /  Dòng biên giang sằng sặc giọng ai cười!  ///  Có lẽ nào không viết khúc thơ vui?  /  Những bàn tay của lứa tuổi đang tươi  /  Xin góp nến để đêm dày được thắp,  /  Hoài vọng mười phương tuy rằng cao thấp  /  Mà cùng say gõ nhịp khúc đăng trình.  /  Đi dựng đời tươi cho em mười sáu,  /  Cho môi thắm son, cúc vàng lưng giậu,  /  Cho tài hoa khỏi lụy nợ đa cùng,  /  Cho đào hoa y cựu tiếu đông phong,  /  Mắt biếc bồ câu không là suối lệ,  /  Người anh phong trần cùng cô em bé  /  Dắt tay nhau về lại mái nhà xưa,  /  Có dòng sông và có tiếng ai cười.  ///  (tặng Thạch Thái)

*********

Hẹn Một Ngày Mai:    Chuyện đời nhạt mộng, phai thơ,  /  Tương tư ngàn kiếp thương vờ, khóc lây.  /  Ai buồn vì chiếc lá bay,  /  Ai vui chi cảnh đọa đày ai ơi!  /  Ai nâng tiếng sáo tuyệt vời,  /  Ai say tiếng súng cho đời khổ đau?  /  Ngàn năm trước, vạn năm sau  /  Nghĩa gì nếu chẳng thương nhau hỡi người!  /  Máu xương là chuyện để cười,  /  Thì đây máu chảy, xương rơi mấy mùa.  /  Bảo rằng được với rằng thua,  /  Con sông chia cách chưa vừa đấy ư?  /  Bên kia có một mùa thu,  /  Bên này ta cũng có dư lá vàng.  /  Bên kia tan nát xóm làng,  /  Bên này phấn mốc, hương tàn khác chi!  /  Ngồi buồn tính chuyện ra đi,  /  Núi ngăn, sông đón, ngại khi trở về.  /  Nhớ xưa có kẻ đã thề,  /  Mà nay đôi đứa đôi quê cực lòng.  /  Dài dằng dặc những đêm đông,  /  Trôi qua vùn vụt những dòng xuân tươi,  /  Héo hắt lắm những môi người,  /  Và vô duyên quá nụ cười cố nhân  /  Vu vơ nhớ chuyện xa gần,  /  Giật mình:  đời đã mấy lần sang ngang.  /  Mẹ già côi cút dưới làng,  /  Em yêu trên phố, hai đàng tâm tư.  /  Bao giờ hòa dịu tiếng thu,  /  Cho hoa kết trái, cho mù hóa mưa,  /  Có chợ sớm, có đò trưa,  /  Có cô em bé tiễn đưa lên đường,  /  Có buồm căng gió mười phương,  /  Có mắt phố phường, có má thôn quê,  /  Có đi mà cũng có về,  /  Có vạn lời thề sẽ giữ sắt son.  /  Bờ tre xanh mát tâm hồn,  /  Khuất nẻo đường mòn có mái nhà tranh.  /  Có người ta gọi “em anh”  /  Có giấc mộng lành mới dệt đêm qua.  /  Có muôn bướm, có ngàn hoa,  /  Đời không gian khổ như là hôm nay.  /  Không buồn vì chiếc lá bay,  /  Mà vui xây dựng cho ngày tương lai,  /  Cho êm ấm lẫn trong ngoài,  /  Cho hoa thêm đẹp, cho người thêm tươi.  /  Ai nâng tiếng sáo tuyệt vời,  /  Ta cầm bút chép những lời thơ xanh:  /  “Ngày mai, em hẹn với anh,  /  Ngày mai trọn khúc ân tình, ngày mai…”  ///  (tặng Phổ Đức)

*********

Ngõ Lạc:    Ngã trên dòng bấc đêm khuya ấy,  /  Đời rã rời trôi với nhịp chèo.  /  Lửa đỏ, thuốc thơm, mờ ngõ lạc,  /  Bập bềnh son phấn chí trai theo.  ///  Ai giặt hồn tươi trong nước đục?  /  Tuổi hoa nằm giữa cánh tay hờ,  /  Mê ly quên cả gà xa giục  /  Nở một bình minh, nhạc quyện thơ.  ///  Thuyền lướt trên sông về xứ mị,  /  Bao người chôn chặt tuổi hoa niên,  /  Khóc than vọng cổ, đau lưu thủy,  /  Đào sẵn mồ chôn giữa đống tiền.  ///  Đi bán năm canh hồng phận má,  /  Đêm thu chung chạ nhạt thanh xuân.  /  Đời ai giam lỏng trong tay lả,  /  Có biết xuân xanh chỉ một lần?  ///  Ngõ lạc lên đèn đưa đám chết,  /  Đêm đêm còn mấy cánh hoa rơi?  /  Ai vui chinh chiến, ai mê mệt?  /  Ai khóa mình trong những trận cười?  ///  (cho Cao Thế Dung)

*********

Đêm Giáng Thế:    Hỡi Thượng Đế, suốt đời con đơn chiếc,  /  Đi vu vơ như lạc nẻo Thiên Đường,  /  Thân cát bụi chẳng còn chi hối tiếc,  /  Nhưng lòng riêng khao khát chút Tình Thương.  ///  Con ngẩng mặt:  đêm nay trời nạm ngọc,  /  Quê Cha đâu?  đường lối hẹp kinh kỳ.  /  Thuyền vật chất trôi xuôi về địa ngục,  /  Trong hồn con còn dội bước con đi.  ///  Nợ với Đất ngày mai con trả Đất,  /  Đời vui chi, cười khóc vẫn xô bồ!  /  Tiếng chuông Chúa những chiều sầu sắp tắt  /  Gọi đêm về vây phủ kín thành đô.  ///  Đêm Giáng Thế, chiên lành quỳ lạy Chúa  /  Thương đàn chiên nằm dưới gót sài lang,  /  Chúng con sống đau buồn trong khói lửa,  /  Thây chồng thây, ngăn mất lối Thiên Đường.  ///  Đấng Cứu Thế tình yêu trùm vũ trụ  /  Vâng ngôi Cha làm một kẻ chăn cừu,  /  Xin vớt lấy những linh hồn đen tối,  /  Đang điên rồ cười khóc suốt đêm thâu.  ///  (tặng Nguyễn Ngọc Đính)

**********

Dâng:    Đêm lạnh bốn bề gió rú,  /  Trần gian mênh mông hoàng hôn,  /  Thời gian trở về bến cũ,  /  Thịt xương xua đuổi linh hồn.  ///  Cầu nguyện hai vì sao lệ,  /  Rưng rưng mắt đẹp hiền hòa.  /  Tay ngọc tròn tin Đức Mẹ,  /  Đêm huyền ngào ngạt Ngôi Cha.  ///  Có thuở chiên lành mến Chúa,  /  Nơi nơi cỏ mướt, đồng xanh,  /  Có thuở đời là nhung lụa,  /  Danh từ chỉ có Em, Anh.  ///  Lạy Chúa, mùa xưa đã hết,  /  Không còn nhung lụa, anh em.  /  Nhân loại đi về cõi Chết,  /  Giẫm tan từng giọt sương đêm.  ///  Ai đọc dòng kinh huyết lệ?  /  Ai rung chuông động luân hồi?  /  Hẹn gặp nhau ngày tận thế,  /  Không Ta mà cũng không Tôi.  ///  Chúng con quỳ dâng ngưỡng mộ,  /  Lòng Tin sấm sét không dời.  /  Vũ trụ rồi đây sụp đổ,  /  Điềm xui từ cánh sao rơi.  ///  Chúng con thương nhau trọn kiếp  /  Như lời Chúa dạy từ lâu,  /  Chắc chẳng còn gì cao đẹp  /  Cho bằng nhân loại thương nhau.  ///  (tặng Cao Thế Dung)

**********

Thánh Giá Còn Nguyên Máu Chảy:    Hai bờ cây xanh cửa miệng  /  Gốc cây bón xác cùng hồn  /  Trái chín chưa mùa hiển hiện  /  Bàn tay bịt mất môi hôn.  ///  Tình thương mỏng dày lớp giấy  /  Rách lành gói trọn chữ Yêu  /  Thánh giá còn nguyên máu chảy  /  Non sông một nhịp phù kiều.  ///  Hai bên hai bánh xe lăn  /  Lên đèo hay là xuống dốc?  /  Hằng triệu con người vun gốc  /  Ai làm sông cách, núi ngăn?  ///  Hoa chưa đúc nụ tượng hình  /  Mùa nào trái lành trái ngọt?  /  Ngày đêm góp phần đau xót  /  Cầu xin tình được vẹn tình.  ///  Bàn tay thơm tho họ chỉ  /  Chờ khi trái chín trên cây,  /  Ta – của – hai – mươi – thế – kỷ  /  Đợi chờ ta – của – muôn – tay.  ///

*********

Nhập Vô Cùng:    Ôi ngày mai khi gió chẳng còn xem  /  Vũ trụ là sân banh thao dượt,  /  Tôi làm gì?  /  _ Chắc gục đầu sướt mướt,  /  Mà lệ rơi lụt cả dấu chân em!  /  Qua muôn trùng sông núi chẳng hề quen,  /  Nghe tiếng máy đập tan niềm cảm hứng.  /  Trời xanh lướt một vì sao đang rụng,  /  Hai vì sao, không, nhiều lắm em ơi!  /  Trong đêm sâu nghe vỡ giọng ai cười.  /  Nức nở dây tơ khúc đàn bạc mệnh,  /  Tôi yêu em không thuê nhà ở cạnh,  /  Chẳng hề mong bắt được chiếc kim thoa.  /  Tuổi trăng tròn em đã quá nhiều chưa?  /  Hoa hạnh nở bên tường rồi chứ nhỉ?  /  Có sao đâu, được biết nhau là quí,  /  Mười lăm năm còn lại chuyện châu Thai,  /  Ba trăm năm còn lại tiếng than dài!  /  Đóa hoa bé nghiêng đầu bên cửa sổ,  /  Nhìn trời xanh lòng hoa thêm bỡ ngỡ,  /  Nên nhiều khi đầu cúi dáng bâng khuâng,  /  Hồn thảo hoa rồi cũng nhập Vô Cùng.  ///

*********

Oh Holy Night  (Đêm Giáng Thế, loosely translated by Thai Ta)

God, all my life I’ve been lost  /  wandering far from Heaven  /  This mortal shell with no regrets  /  still yearns for a bit of Compassion.  ///  I’m looking up:  a sky of jewels  /  Where’s Home?  the road has narrowed  /  and here on board the ship to Hell  /  I hear echoes of my own footsteps.  ///  My debts to Earth I’ll soon repay  /  laughing, crying — life’s no big deal!  /  I hear the bells beckon the night  /  to cover up this city of sorrows.  ///  Oh Holy Night, we’re on our knees  /  begging Lord, have pity on us!  please  /  End our sufferings, evils of war  /  for corpses upon corpses have blocked the way home.  ///  Our Savior, whose love is boundless  /  who lived among us as our shepherd  /  Please save us all, the ignorant souls  /  laughing, crying  —  our sanity gone.  ///

********

The Fly and She  (Ruồi và Em, translated by Thai Ta.  My dad wrote this while in the re-education camp from 1975 to 1978.)

Ruồi từ hố tiêu bay lên  /  Tiếng ruồi lao xao như sóng gợn  /  Mắt ruồi nâu làm nhớ tóc Tây phương  /  Ruồi đậu trên dây thép gai như chuỗi hạt huyền  /  Anh tặng em ngày cưới  /  Ruồi đậu trên dây thép gai như những nốt nhạc  /  Dây thép gai kẻ nhạc không đều  /  Làm sao em hát   /  Có bầy én về  /  Không phải để báo tin xuân  /  Vì anh biết mùa xuân đã chết  /  Có bầy én về tìm ruồi trên giây thép  /  Chuỗi hạt huyền vỡ tan   /  Anh gọi tên em  /  Mấy lần.

Flies ascended from the shit hole  /  Their buzzing reminded him of the lapping waves  /  Their brown eyes the Western hair  /  Their formation on the barbed wires the necklace that he gave her on their wedding day  /  Or perhaps the music notes on uneven lines of barbed wires  /  How could she sing with those?  /  The sparrows returned, but not to announce Spring  /  ‘Cause he knew that Spring had died  /  They came back for the flies on the barbed wires  /  And as the black pearls broke apart,  /  He whispered her name.  ///

taky-hausinhca taky-ngamngaitimtram taky-ruoivaem taky-trongtraicaitaolongkhanh

 

********

http://diendanpetrusky.com/content.php?145-Nh

Cách nay 33 năm , lúc thực hiện Báo Xuân P.Ký 1975, ngoài phần bài vở của học sinh, ban biên tập gồm Luân, Hoàn và một số bạn khác bàn nhau dành phần đầu Đặc san để “ đi” 2 bài của các thầy Nguyễn Xuân Hoàng và thầy Tạ Ký, là những giáo sư của trường có vị trí nhất định trong giới văn học nghệ thuật miền Nam thời ấy.
Nhà thơ Tạ Ký, danh tiếng lẫy lừng, mới đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật của Phủ Tổng Thống về thơ cách đó ít năm (1972) với thi phẩm Sầu ở lại.
Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đang là thư ký tòa soạn tạp chi Văn (một tạp chi văn chương danh giá đương thời)
Tôi lãnh nhiệm vụ đi xin bài viết của các thầy.Gặp thầy Hoàng trước, tôi đề nghị thầy đưa cho bản thảo bài viết diễn văn đọc trong buổi lễ “ Ngày nhớ ơn thầy” tổ chức vào ngày 06 tháng 12 năm đó.Năm 1975 , là năm đầu tiên tổ chức sự kiện này nên buổi lể làm rất trang trọng.Co tổ chức hội trại, trình diễn văn nghệ, thể thao, thi bích báo…Có sự hiện diện của Phụ tá Tổng trưởng Bộ Giáo dục là thầy Nguyễn Thanh Liêm . Tôi còn nhớ phần kết rất cảm động của bài nói này, thầy Hoàng đã trích một đoạn thư của cha An Di gửi cho con :” An Di con ơi…( An Di – Enrico – là nhân vật chính trong tác phẩm Les Grands Coeurs của nhà văn Ý Edmond De Amicis – chuyển ngữ từ tiếng Pháp sang tiếng Việt với tên Tâm hồn cao thượng ) … Sau tiếng Cha, thì tiếng Thày là tiếng gọi xứng đáng nhất mà một người có thể dành tặng cho một người … ” và theo “lịnh” của thầy Hoàng, tôi đã viết 1 chapeau cho bài này để đăng trong số báo Xuân năm ấy .

Còn Thày Tạ Ký thì đưa cho 2 bài thơ xé trong tập bản thảo đánh máy chưa in :
Bài thứ nhất là một bài thất ngôn bát cú :

Từ Hội Đạp thanh

Một vó câu từ hội Đạp thanh
Làm đau luôn cả khách biên đình
Bên cầu tơ liễu duyên e ấp
Giữa chốn ba quân nhạc rập rình
Vườn Thúy mở ra trang lệ sử
Châu Thai khép lại chuyện u tình
Bình rơi trâm gãy còn chi nữa
Vời bãi sông Tiền nấm cỏ xanh*

* Câu này, tôi nhớ áng chừng, không chắc đúng, vậy để tồn nghi

Bài thứ hai là một bài thơ buồn hình như gắn liền với sự kiện gia đình riêng của thầy :

Nhớ thêm

Em có về trong khói thuốc say?
Em có về trong ly rượu đầy?
Em có về trong thương với nhớ?
Em có về trong mộng đêm nay?

Em đâu về vì em quên anh!
Em đâu về hoang vu kinh thành..
Tại em nên thức nhiều đêm trắng,
Khói thuốc che mờ mái tóc xanh

Anh đi tìm em qua cánh chim,
Anh đi tìm em qua bao đêm,
Cánh chim đã lướt theo chiều gió,
Hơi rượu càng làm anh nhớ them.

Bài này, về sau khi bọn tôi , Hoàn và Anh đưa xuống nhà in Trí Đăng – đường Nguyễn Thiện Thuật sắp chử xong chuẩn bị in thi thầy đã lẳng lặng đổi bằng bài khác “ Bài ca xuân cho người già “ với lý do nôi dung bài Nhớ thêm quá bi thương không phù hợp với tuổi học trò. Ây là lời bác Châu Anh- quản lý nhà in nói lại.Bài này hồi các Diops còn ở Viet nam, buổi nhậu nào tôi cũng đọc…Tôi còn nhớ những năm 1980, trong một buổi nhậu rượu đế với Trần Long Ẩn( nhạc sĩ – tác giả Người mẹ Bàn Cờ – cựư sinh viên Văn Khoa – Triết Đông ), khi nghe bài này, đã nức nở khen hay.
Hay như bốn câu này, nhạc sĩ Y Vân đã mượn tứ thơ để phát triển và soạn bài hát “ Buồn” nổi tiếng.
“….Buồn như ly rượu đầy,Không có ai cùng cạn, Buồn như ly rượu cạn, Không còn bạn để say…”
Những năm sau này, tình cờ vào http://www.petrusky.org , lại tìm được một số đoạn thơ , mà nay đã trở thành di cảo của nhà thơ.
Như một đoạn trong bài “ Sầu ở lại “ này….

“…..Đời lỡ nhúng sầu bên cốc rượu,
Mượn vui bè bạn sống qua ngày,
Đoạn trường hơn cả thân ca kỹ
Cơm áo làm nên chuyện nước mây…
Năm cùng tháng tận đời hoang vắng
Bên quán ngờ đâu gặp lại mày
Gọi để mừng nhau khi hội ngộ
Thì xin hãy cạn chục ly đầy
Quàng vai tìm chút dư hương cũ
Nhắc đến hàng trăm chuyện đổi thay…
Nhắc đến những thằng… nay đã chết
Những thằng đang sống kiếp trâu cày
Bạn ơi, nước mắt minh tuôn đấy…
Ngồi nhậu bên đường…ta khóc đây…. “

Và hai câu thơ gần như là thơ tuyệt mệnh, khắc trên bia mộ do thân hữu và gia đình lập:

“Thân cát bụi chẳng còn chi nuối tiếc
Nhưng lòng riêng khao khát chút tình thương…”

Để kết bài viết này tôi xin mượn một câu của bạn Đỗ Kha( P.Ký 76) :
“…Hãy dành phút mặt niệm cho người quá cố. Người thi sĩ bạc mệnh., Người thầy tuy nghiêm khắc nhưng hài hòa, tuy mực thước nhưng rộng lượng.” như một nén nhang lòng kính dâng lên thầy.
Được đăng bởi hsg vào lúc Thứ tư, tháng chín 05, 2007

Nguồn: HSG’s Blog

http://hoansansg.blogspot.com/2007/09/nh-thy-hc-nh-th-t-k.html

*********

Nhật ký cuối cùng của thi sĩ Tạ Ký, 1978:  www.thaita.wordpress.com/taky/diary1978

************

January 2011 / Vài ý nghĩ về web tribute cho ba tôi

************

Lời Cảm Tạ:   Những dòng thơ lưu lại, những dòng thơ đã mất.  Những gì muốn nói, đã nói, chưa kịp nói, và không thể nói.  Một kiếp người, chớp mắt.  Định mệnh đã buộc chặt ba tôi với quê hương Việt Nam và thơ.  Định mệnh đã cho ba tôi những tình bạn mà ba tôi vô cùng quí mến.  Xin cảm tạ những tình bạn tha thiết, tri âm tri kỷ đó.  Một ngàn năm nữa, không biết tiếng Việt có còn không, nhưng cách đây hai mươi mấy năm, trong trại học tập cải tạo, có một người đàn ông tối tối lén lút trùm mền viết thơ trên giấy đi cầu tơi tả, và Tết đến, thầm thì đọc những dòng thơ ai oán cho bạn đồng tù nghe, để họ được khóc.  Hình ảnh đó là tinh túy của ba tôi.  Tập thơ này là một cảm tạ, tới quê hương, tình yêu, và Thượng Đế.  ///  Tạ Thái, 2001

********

taky-tho-kiemduyet2 những giòng thơ Tạ Ký bị kiểm duyệt

taky-tho-kiemduyet1